10 LỜI KHUYÊN BỔ ÍCH để bạn THÀNH CÔNG *SỚM* hơn những người khác – Lời Khuyên 6
Lời Khuyên số 6:
HÃY KHIÊM TỐN VÀ BIẾT MÌNH
Khi tôi nói bạn khiêm tốn, tôi đang ám chỉ cả hai khía cạnh quan trọng để bạn thành công trong công việc và cuộc sống: Thái độ và Chuyên môn.
Đầu tiên, thái độ khiêm tốn là phẩm chất mà bất kỳ nhà tuyển dụng nào cũng yêu thích. Kể cả khi bạn mở doanh nghiệp riêng cho mình và làm chủ, tôi bảo đảm với bạn rằng chẳng có nhân viên hay cộng sự nào thích làm việc với kẻ khoe khoang cao ngạo. Ngay trong cuốn sách dạy marketing “Nghệ Thuật Viết Quảng Cáo” kinh điển của mọi thời, Victor O. Schwab nói rằng 100% những nhà quảng cáo và copywriter giỏi nhất ông biết đều sở hữu đức tính Khiêm Tốn.
Như tôi đã từng nói rất nhiều lần trong các bài viết trước, khách hàng mua hàng của bạn không hẳn vì bạn là nhà sản xuất chất lượng nhất hay danh tiếng nhất. Mà họ mua vì họ yêu mến bạn, họ mua vì sự tận tụy và thái độ chuyên nghiệp hết lòng của bạn.
Hãy nhớ, bạn thiếu hụt về chuyên môn, thì công ty và các bậc tiền bối có nhiệm vụ đào tạo và huấn luyện bạn để bạn có thể làm việc hiệu quả nhất cho họ. Chứ thiếu hụt về sự khiêm tốn hay phẩm cách thì thực sự là… bó tay, vì phẩm cách là những điều phải rèn luyện lâu dài từ thuở nhỏ. Và không một ai khác có thể chỉnh nhân cách hay tính cách của bạn trừ chính bản thân bạn! Tôi đã từng gặp vài bạn trẻ thủ khoa đại học, bảng điểm đẹp mê hồn, thành tích đầy mình, gia đình hoàn hảo, nhưng vẫn bị các nhà tuyển dụng loại thẳng tay hoặc mất việc chỉ vì thái độ: kiêu căng tự phụ, không biết lắng nghe, không hòa hợp với cộng sự. Làm sao nhà tuyển dụng dám “rước” bạn về khi bạn không sẵn sàng trở thành một phần của tập thể mà chỉ khư khư cái tôi to kềnh của mình?
Kế đến, để có thể thành công và đứng vững lâu dài trong nghề, bạn cũng cần phải “khiêm tốn” trong chuyên môn. “Khiêm tốn” ở đây, ý tôi muốn nói đến sự biết mình biết người.
“Biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng.”
– Tôn Vũ –
Trong lời khuyên số 2, tôi đã lưu ý bạn phải xác định được thể loại viết quảng cáo mà mình thích hoặc sở trường, chứ không nên bao thầu tất tần tật, vì mỗi thể loại viết lại có một số yêu cầu khác biệt nhất định. Sắp tới trong lời khuyên số 9, tôi sẽ mở rộng vấn đề chuyên môn hóa này hơn nữa. Nhưng chung quy vì sao bạn phải chuyên môn hóa nhỉ?
Đơn giản: Bạn chẳng có ba đầu sáu tay để làm được tất cả mọi việc (những bạn nào có kinh nghiệm đi làm rồi hẳn là đã thấm thía điều này). Trừ phi bạn làm freelance và tự bản thân mình cảm thấy mình có thể đảm đương hết được, chứ hầu hết các công ty hiện nay đều vận hành theo mô hình chuyên môn hóa. Các nhà bán lẻ cần copywriter viết miêu tả sản phẩm, trong khi các công ty quảng cáo danh tiếng thì cần copywriter có khả năng sáng tạo để viết thương hiệu (branding). Những nhà kinh doanh online quy mô nhỏ thì cần dân viết web, viết SEO…
Khi làm giám đốc công ty quảng cáo Big Star Copywriting, Derryck Strachan kể rằng anh đã đau đầu và loại không biết bao nhiêu hồ sơ mắc lỗi “ham hố”: tự nhận mình cái chi cũng biết, nào là chuyên gia SEO, vừa “trùm” mạng xã hội, vừa viết sales page giỏi,… Mà sau khi phỏng vấn xong, những bạn nào phô trương cái gì cũng biết thường thành ra là chẳng biết cái gì đến nơi đến chốn, trong khi đó điều mà nhà tuyển dụng cần ở bạn là vài kỹ năng hay yêu cầu cụ thể, và bạn phải là người giỏi nhấthoặc đáp ứng tốt nhất những yêu cầu đó.
Tóm lại, khách hàng mua hàng của bạn vì họ yêu bạn. nhà tuyển dụng chọn bạn vì họ nhìn thấy trong bạn tinh thần nhiệt huyết, sẵn lòng phụng sự và có khả năng mang lại những kết quả tốt nhất cho công ty. Muốn thỏa mãn được cả hai điều kiện này, bạn chỉ cần làm tốt hai chữ: “Khiêm tốn!”
.
~ ThS. Phan Nguyễn Khánh Đan
Giám đốc công ty phát hành sách Con Đường Tri Thức;
Admin trang chủ Nghệ Thuật Viết Quảng Cáo.
*Kỳ tới: Lời khuyên số 7 – Đừng mắc lỗi chính tả!
Link:http://bit.ly/2ULC74C
0 nhận xét:
Đăng nhận xét