Thương hiệu cá nhân: nên xây dựng từ đâu? Kỳ 2: Tích cực tích lũy nghiệp tốt - Cộng đồng iSocial

16:34
0
Dan Schawbel, một nhân vật được xem như bậc thầy về thương hiệu cá nhân định nghĩa: “Xây dựng thương hiệu cá nhân là quá trình mà cá nhân/doanh nhân làm khác biệt mình sao cho nổi bật lên giữa đám đông thông qua việc xác định và trình bày các tuyên ngôn giá trị độc đáo về chuyên môn hoặc cá nhân; và sau đó truyền thông các thông điệp và hình ảnh nhất quán để đạt được một mục đích cụ thể.


Bằng cách này, các cá nhân sẽ được nâng cao sự ghi nhận như là các chuyên gia trong lĩnh vực của họ, làm nên danh tiếng và sự tín nhiệm, thúc đẩy sự thăng tiến trong nghề nghiệp và xây dựng sự tự tin”.
Từ định nghĩa trên ta thấy khó khăn nhất và cốt lõi nhất là làm sao biết tuyên ngôn giá trị độc đáo của riêng của mình là gì! Hay nói như Jeff Bezos, nhà sáng lập Amazon: “Thương hiệu của bạn là những gì người ta nói về bạn khi bạn vắng mặt” (Your Brand is what people say about you when you’re not in the room). Bạn có thể khám phá ra giá trị độc đáo của bản thân thông qua việc chọn lọc từng cái độc đáo nhất trong kỹ năng (chuyên môn, giáo dục), sở thích (cá tính), mạng lưới quan hệ, kinh nghiệm… để tạo nên một “câu chuyện” cho đối tượng mục tiêu biết “Bạn là ai?”; “Bạn làm những chuyện đó làm gì?”; “Bạn độc đáo ra sao?” thông qua biểu đồ dưới đây:
Các bạn cần lưu ý rằng thương hiệu cá nhân không phải xây nên một cách ngẫu hứng, tuyên ngôn về giá trị của bạn cần phải phù hợp với năng lực thật sự của bạn, sản phẩm hay dịch vụ gắn với bạn và khách hàng mục tiêu mà bạn muốn lấy lòng họ.
Bộ nhận diện thương hiệu cá nhân
Giống như một sản phẩm, nếu doanh nghiệp cần có bộ nhận diện thương hiệu gồm logo, slogan, bao bì, tờ giới thiệu tính năng, video clip giới thiệu dịch vụ… thì thương hiệu cá nhân cũng cần có một bộ nhận diện tương tự. Đa số doanh nhân đã có ý thức làm bộ nhận diện này cho mình thông qua việc trau chuốt ngoại hình, xài đồ hiệu, đi xe sang… Nhưng lối chứng minh sự thành đạt đó đôi khi tạo nên hình ảnh tiêu cực, không xây dựng được lòng tin đối với nhóm đối tượng mục tiêu mà doanh nhân đó muốn hướng tới. Do vậy khi làm bộ nhận diện cho cá nhân chúng ta cũng nên tiếp cận một cách đồng bộ như minh họa trong sơ đồ bên dưới:
Sơ đồ bên trên cho thấy xã hội không chỉ đánh giá con người qua chính họ mà còn qua những yếu tố xung quanh một con người. Từng mảnh ghép là từng hành vi cần lưu tâm trong cuộc sống của một người đang xây dựng thương hiệu cá nhân.
Ta thấy rằng mỗi hành vi của chúng ta thể hiện ra ngoài xã hội hay bên trong đời tư, trong hoạt động chuyên môn hay giải trí đều trực tiếp và gián tiếp để xã hội nói về bạn. Bạn biết cách vận dụng và kiểm soát nó chính là đang xây dựng thương hiệu cho bản thân mình.
Nguyên tắc 3C trong truyền thông thương hiệu cá nhân
Giống như truyền thông cho thương hiệu của sản phẩm và doanh nghiệp, làm truyền thông cho thương hiệu cá nhân đến với đối tượng mục tiêu cũng cần đảm bảo nguyên tắc 3C: Rõ ràng, tập trung (Clarity), nhất quán (Consistency) và kiên trì (Constancy).
Tính rõ ràng: Dan Schawbel đã nói rằng “nếu bạn muốn được cho rằng bạn biết tất cả, thì bạn sẽ được nghĩ rằng bạn không biết gì” (If you want to be known for everything, you’ll be known for nothing).
Tính rõ ràng là đặc điểm của một thương hiệu mạnh. Một thương hiệu mạnh phải chỉ rõ được cái gì là mình và cái gì không phải mình. Đây là phạm trù thuộc về định vị thương hiệu tức là mình phải xác định được những giá trị của mình có gì khác với những đối thủ, tránh sự nhập nhằng. Một người đi phỏng vấn tự giới thiệu mình nổi trội tất cả mọi mặt thường sẽ không được người tuyển dụng đánh giá cao. Cần chú ý rằng tùy từng đối tượng mục tiêu, sự liên tưởng về thương hiệu có sự khác nhau do đặc thù của tuổi tác, giới tính, ngành nghề, kinh nghiệm, văn hóa, tín ngưỡng… Do đó đừng mong đợi một chiến lược truyền thông làm thỏa mãn mọi đối tượng. Trường hợp cụ thể nhất mà ta có thể thấy hiện nay là ca sĩ Sơn Tùng MTP có một lực lượng fan và antifan ngang ngửa nhau, nhưng phải khẳng định đó là một ca sĩ có thương hiệu thành công.
Tính nhất quán: Nhất quán có nghĩa là sự thống nhất trong thông điệp truyền tải, thống nhất giữa nói và làm, thống nhất giữa truyền thông và thực tế. Nhận thức của con người không chấp nhận những hình ảnh mang tính đối lập. Những gì anh nói, nhóm bạn bè anh chơi, công việc anh làm, sản phẩm anh tiêu thụ, nơi anh du lịch… đều gợi lên sự liên tưởng về bản thân anh. Chỉ cần có một thông điệp hoặc hình ảnh đối lập thì hình ảnh tổng thể sẽ bị mất lòng tin. Nhất là trong xã hội Việt Nam, khi năng lực cá nhân (tài năng) và đạo đức (lối sống cá nhân, ứng xử với cộng đồng) được yêu cầu phải luôn đồng hành thì tính nhất quán này các doanh nhân cần lưu ý khi muốn xây dựng thương hiệu cá nhân cho mình.
Tính kiên trì: Một thương hiệu được coi là mạnh mẽ nếu nó liên tục xuất hiện trước mắt công chúng hoặc sự quan tâm của giới truyền thông. Dù thông điệp sản phẩm đã rõ ràng và nhất quán rồi nhưng người tiêu dùng sẽ mau quên đi nếu sản phẩm không liên tục xuất hiện và kiên trì tồn tại cho tới thời điểm cần phát huy tác dụng của thương hiệu.
Vây thì các doanh nhân phải xây dựng thương hiệu cá nhân từ lúc nào? Trong xây dựng thương hiệu cá nhân, nếu có điều kiện hãy xây dựng nó càng sớm càng tốt. Tôi thường hay nhắc nhở các bạn sinh viên khi còn trên ghế giảng đường đại học cần có ý thức về việc xây dựng thương hiệu cá nhân nhất là trong thời buổi mạng xã hội đang rất thịnh hành. Những dòng “status” chê giáo viên, những câu chửi thề nên thay bằng những hình ảnh tham gia các hoạt động cộng đồng, những chia sẻ hay, những clip về kỹ năng sống… Đó là những thứ làm nên tài sản cá nhân của bạn phát huy vào đúng ngày bạn đi phỏng vấn xin việc! Cùng với quan điểm ấy, các anh chị doanh nhân cũng sẽ hiểu mình không những bắt đầu ngay hôm nay mà nên lần tìm về quá khứ để “thanh lý” những hình ảnh có thể làm ảnh hưởng tính nhất quán và rõ ràng trong thương hiệu cá nhân của mình.
Sự thật và thực lực
Đứng dưới góc nhìn Phật giáo, “thương hiệu” rất tương đồng với khái niệm “tưởng” và “tri giác” trong Duy Biểu Học và việc xây dựng thương hiệu cá nhân rất giống với việc tích lũy Karma tích cực (nghiệp tốt) trong cuộc đời mỗi người. Tôi đề cập đến ý này vì trong thời đại của mạng xã hội, các khách hàng đã có thể dễ dàng xác thực thông tin, do vậy nền tảng quan trọng nhất của xây dựng thương hiệu chính là “sự thật và thực lực” (Competencies). “Bộ nhận diện thương hiệu cá nhân” đề cập ở trên không chỉ là công cụ để các bạn xây dựng thương hiệu cá nhân mà còn là những lĩnh vực bạn cần được lắp đầy bởi những hạt giống tốt đẹp. Những việc làm tốt sẽ tạo ra những hình ảnh tốt và cách xây dựng hình ảnh theo kiểu dối trá sẽ không mang lại kết quả tốt đẹp về sau. Giống như một chiếc bánh sinh nhật, truyền thông chỉ là lớp kem phủ lên những lớp bánh nướng bên trong.
Chiến lược xây dựng thương hiệu cá nhân tốt là đừng nên thần thánh hóa bản thân với 100% những hình ảnh tốt mà là một con người thật thể hiện rõ nét ba yếu tố: năng lực, cá tính và sự đóng góp cho xã hội.
Theo Philip Kotler, ngày nay việc bị nói xấu không phải là điều không tốt, các thương hiệu cần có các “luật sư bên tố” để kích ngòi những “luật sư biện” bênh vực cho mình. Thương hiệu thành công phải kết hợp được cả lớp kem phủ đẹp bên ngoài và ruột bánh thơm ngon bên trong để không phụ lòng những “luật sư” hết lòng yêu thương và bênh vực cho mình.
sưu tầm:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét