LÃNH ĐẠO CHÍNH TRỰC – CHÂN THÀNH TRONG TẦM NHÌN LỚN VÀ CẢ HÀNH ĐỘNG NHỎ - Cộng đồng iSocial

15:28
0

Mahatma Gandhi là một nhà lãnh đạo kiệt xuất và vĩ đại của dân tộc Ấn Độ cũng như thế giới. Ông chống chế độ thực dân Anh, giành độc lập cho Ấn Độ trong hòa bình, không hề tốn một mũi tên hay viên đạn. Ông dành phần nhiều thời gian để chu du khắp mọi vùng đất trên Ấn Độ nhằm kêu gọi sự đoàn kết và ủng hộ. Lần đó, khi nghe tin Gandhi sẽ đi đến vùng quê của mình, một bà mẹ trẻ đã không quản ngại đường xá xa xôi đến để gặp ông. Sau khi chờ đợi khá lâu, bà mẹ diện kiến Gandhi và được dặn là ngài không có nhiều thời gian nên chỉ có thể được hỏi một câu duy nhất. Gandhi và mọi người trong túp lều lớn im lặng để nghe lời thỉnh cầu của người mẹ đến từ phương xa.
-Gandhi, ngài có thể làm ơn khiến đứa con trai của tôi đừng ăn kẹo nữa được không?-Người mẹ khẩn cầu
-Làm sao tôi có thể khiến con trai của chị ngừng ăn kẹo được? Nhưng chị có thể quay lại đây sau một tháng.
Đó là câu trả lời của Gandhi trong sự ngỡ ngàng của mọi người. Tại sao một người vĩ đại như ngài lại có thể từ chối giúp đỡ một người mẹ trong việc giáo dục con trẻ? Tuy vậy, người phụ nữ vẫn lặng lẽ tạm biệt và nói một tháng sau sẽ quay lại.
Một tháng sau, người mẹ trẻ lại quay lại túp lều gặp Gandhi. Lần này, Gandhi nhận ra hai mẹ con và bước đến bên họ. Ngài ngồi xuống nắm tay đứa bé, nhìn thật sâu vào mắt và nói:
-Con không nên ăn kẹo nữa nếu không chúng sẽ làm con bị sâu răng!
Sau đó, ngài ôm chặt lấy đứa bé và xoay đứa bé trở lại với người mẹ. Người mẹ rất hài lòng với kết quả nhưng bà vẫn băn khoăn:
-Tại sao ngài không nói điều đó một tháng trước?
-À, tại vì…một tháng trước tôi vẫn còn ăn kẹo.
Một nhà lãnh đạo chính trực không chỉ chia sẻ về tầm nhìn lớn lao mà còn phải chân thành trong từng hành động nhỏ. Những hành động đó là sự cam kết và chính trực với bản thân của người lãnh đạo, dù không ai biết, không ai kiểm tra. Rất nhiều người lãnh đạo trong công ty thường khắt khe với nhân viên nhưng lại dễ dãi với chính mình. Họ đòi hỏi nhân viên phải tuân thủ mọi quy tắc, nội quy nhưng lại thiếu kỉ luật với bản thân. Tệ hơn nữa, họ lấy danh nghĩa lãnh đạo để tự cho phép mình là một ngoại lệ, vượt trên những quy tắc chung, thậm chí là những quy tắc mà chính họ đề ra.
Người lãnh đạo xấu xí là người trong ngoài bất nhất. Trong cuộc họp hay buổi diễn thuyết, họ lớn tiếng về việc đảm bảo cơm no áo ấm cho nhân viên, hứa hẹn một tương lai tươi sáng với mức lương cao ngất ngưởng. Nhưng đến cuối tháng, tay giám đốc đó lấy đủ mọi lý do để chậm trả lương, trả lương bằng sản phẩm, hoặc tìm mọi lỗi sai của nhân viên hòng cắt lương, thưởng. Tôi cũng biết một vài tay giám đốc như vậy. Mỗi năm, hắn đều tổ chức từ thiện, kêu gọi sự ủng hộ từ những người nổi tiếng, những mạnh thường quân để giúp bà con nghèo khó. Hắn trống rong cờ mở đi về quê làm từ thiện. Những bao gạo, thuốc men, thùng mỳ…được phân phát trong tiếng rì rào của người dân về một ông giám đốc nổi tiếng, thành công, đứa con hiếu thuận, luôn hướng về quê hương. Điều đáng nói là quê ông, người dân sống cũng bình thường, chẳng nghèo đói như huyện bên theo kiểu chó ăn đá, gà ăn sỏi. Người nhà, họ hàng ông bao giờ cũng phóng xe máy đến nhận quà sớm nhất. Nếu ai không đến được thì sẽ có người nhận hộ, dù chẳng ai thuộc diện hộ nghèo cả.
Trong một nghiên cứu của trường đại học Harvard, rất nhiều người cho rằng tố chất quan trọng của lãnh đạo là “tầm nhìn” và “sáng tạo”. Nhưng tất cả những điều đó đều vô ích nếu người lãnh đạo không chính trực. Hãy tự hỏi bản thân mình, đã bảo lần bạn thất hứa, không thực hiện được cam kết với chính bản thân? Liệu bạn có phải là lãnh đạo tốt khi chẳng bao giờ nghe được nhân viên tâm sự mong muốn được trở thành một người như anh?

Vũ Minh Trường - NCS Tiến sĩ Lãnh Đạo Chiến Lược, ĐH James Madison

0 nhận xét:

Đăng nhận xét