Làm thế nào để thế hệ Millennials tin vào quảng cáo? - Cộng đồng iSocial

15:55
0

Millennials - những người trẻ sinh từ 1980-1998 - chính là thế hệ người tiêu dùng đang làm rung chuyển nhận thức về thị trường của các nhãn hàng.


Họ sành công nghệ nhưng đầy tính đa nghi, vậy nên những quảng cáo theo phương cách cũ không còn hiệu quả. Vậy đâu là cách thức các nhà quảng cáo thế hệ mới nên hướng tới?
Thế hệ Millennials hiện đang đóng góp hơn 1.000 tỉ đô la Mỹ vào tiêu dùng của toàn nước Mỹ. Thế hệ này hiện có đến 91 triệu người, đông đảo hơn thế hệ cha mẹ và ông bà của họ là X (61 triệu) và Baby Boomer - những người sinh trong giai đoạn 1946 -1964 (77 triệu người), theo Goldman Sachs.
Nhiều người quan niệm sai lầm rằng thế hệ Millennials không hề giàu có. Thực chất, 1/6 Millennials sở hữu 100.000 đô la Mỹ trong tài khoản tiết kiệm, theo một khảo sát gần đây của Bank of America. Kết quả là lực lượng tiêu dùng trẻ, hùng hậu và dư dả này đang làm rung chuyển nhận thức về thị trường của các nhãn hàng nói chung và các nhà quảng cáo nói riêng.
Vì sao ta có thể nhận định như vậy?
Đầu tiên, Millennials là một thế hệ gắn bó và không thể sống thiếu mạng xã hội. Theo thông tin của Sprout Social năm 2017, 30% Millennials tương tác với một thương hiệu trên mạng xã hội ít nhất một lần mỗi tháng. Thế hệ Millennials và thế hệ X có xu hướng bấm nút "theo dõi" các thương hiệu trên mạng xã hội cao gấp đôi so với Baby Boomer. Chưa kể họ còn tận hưởng việc chia sẻ thông tin và trải nghiệm của chính mình trên hầu hết các mạng xã hội, từ Facebook tới Twitter và Instagram.
Những lượt thích và tương tác từ các bài đăng trực tuyến tạo ra Dopamine, một loại chất dẫn truyền thần kinh mang đến cảm giác hạnh phúc và phấn chấn. Đó chính là lý do những Millennials chạm tay vào điện thoại di động ít nhất 150 lần một ngày, theo tờ Priceonomics. Nhưng họ không phải là thế hệ dễ bị dẫn dắt bởi thông tin trên Internet. Millennials rất biết cách tận dụng thế giới ảo để nghiên cứu kỹ lưỡng về sản phẩm trước khi quyết định rút hầu bao.
Như vậy kênh quảng cáo có thế giúp những nhà quảng cáo thu hút được nhóm khách hàng trẻ tuổi dư dả này không đâu khác chính là mạng xã hội. Nhưng chọn đúng kênh quảng cáo không chưa đủ, quan trọng hơn là chọn đúng cách thức quảng cáo.
Một đặc điểm của Millennials là tính đa nghi rất cao. Họ không tin vào các nội dung quảng cáo lộ liễu truyền thống. Thậm chí họ còn quay lưng lại với cả phương thức quảng cáo thông qua người nổi tiếng. Đặc tính này có thể được giải thích bằng thực trạng tin tức giả đang hoành hành hiện tại trên các phương tiện truyền thông đại chúng và cả mạng xã hội.
Là thế hệ lớn lên với hàng loạt những vụ bê bối tin tức không đáng tin cậy về các chính trị gia và người nổi tiếng, nên cũng dễ hiểu vì sao thế hệ Millennials xây dựng một bức tường phòng thủ vững chãi khiến các phương thức quảng cáo truyền thống khó lòng mà xâm nhập.
Nhưng đó không phải là đường cùng. Các nhà quảng cáo vẫn có thể len lỏi chạm tới họ thông qua các nội dung do người dùng tự tạo ra, chẳng hạn như các bài viết đánh giá sản phẩm.
Một con số gần như tuyệt đối, 97% Millennials luôn đọc các nhận xét trực tuyến khi chọn lựa doanh nghiệp để "chọn mặt gửi vàng", và 89% tin tưởng những nhận xét đó. Một nghiên cứu gần đây tại Anh chỉ ra rằng 80% Millennials không bao giờ mua hàng mà không đọc nhận xét của những người mua trước.
Một dạng nội dung khác được Millennials ưa chuộng là hình tự chụp. Đây là loại nội dung được họ chuộng tạo ra nhất và thường được chia sẻ nhiều nhất, theo Statista. Một nhóm bạn trong độ tuổi 24 cùng nhau đi ăn thử một nhà hàng mới khai trương, sau đó đăng tải lên mạng xã hội loạt ảnh họ đang dùng bữa và trò chuyện vui vẻ, kèm theo đó vài dòng nhận xét có cánh về nhà hàng. Đây chính là bài quảng cáo đáng tin cậy và dễ lan truyền nhất nhà hàng có được mà không phải bỏ ra đồng chi phí nào.
Điều này cũng mở đường cho những dịch vụ nhận xét trực tuyến. Hãy lấy Google Seller Rating làm ví dụ. Đây là tính năng mở rộng của Google AdWords, thể hiện điểm đánh giá trung bình ngay trên kết quả tìm kiếm doanh nghiệp trên Google.
Để được có con số này, các doanh nghiệp cần tích lũy cho mình 150 đánh giá được xác nhận có thật tồn tại được 12 tháng và số điểm đánh giá trung bình trên 3.5/5 sao. Nguồn của các bài đánh giá này phải đến từ một trong số 15 hệ thống đánh giá được Google tín nhiệm.
Vậy điểm số đánh giá của Google Seller Rating có ý nghĩa gì? Đây là cách thức hiệu quả để thuyết phục người tiêu dùng thế hệ Millenials, hoặc bất kỳ người tiêu dùng nào. Theo báo cáo của Google, quảng cáo đi kèm với điểm đánh giá của Google Seller Rating có lượt nhấp chuột cao hơn 17% so với những quảng cáo thông thường.
Nhìn lại, có thể thấy Millennials chính là thế lực khiến điện thoại di động trở nên phổ biến, biến dịch vụ giao hàng len lỏi vào mỗi bữa ăn và hành trình hằng ngày. Họ đã không ngần ngại thay đổi thế giới, vậy thì những nhà quảng cáo cũng không có lý do gì để nói không với việc sắp xếp và thay đổi lại chiến lược của chính mình để theo đuổi thế hệ khách hàng đầy quyền lực này

Nguồn: Brands VietNam

0 nhận xét:

Đăng nhận xét