10 THỦ THUẬT ĐƠN GIẢN ĐỂ LUÔN VIẾT HAY NÓI GIỎI – Kỳ 6 - Cộng đồng iSocial

10:35
0
Thủ Thuật Số 6:
HỌC CÁCH TỪ BỎ!
Phan Nguyễn Khánh Đan - Nghệ Thuật Viết Quảng Cáo 2013 10 29
Ý tôi là, bỏ đi những từ ngữ không cần thiết hoặc không tạo giá trị về mặt nội dung cho văn bản.
Trong văn nói, chúng ta thường có xu hướng chêm vào nhiều những từ ngữ chỉ sắc thái hoặc biểu cảm như rất, lắm, quá, rồi,… Ngoài ra, việc chèn thêm những từ này đôi khi chỉ nhằm giúp cho câu văn hoặc câu nói nghe ổn và lọt tai chứ không có mục đích chính quy nào khác. Điều này đặc biệt phổ biến trong tiếng Việt – một ngôn ngữ có tính chất linh hoạt, tùy biến theo bối cảnh hoặc người dùng chứ không gắn liền với những công thức rõ ràng và nhất quán như tiếng Anh hay nhiều ngôn ngữ phương Tây. Hệ thống ngữ pháp tiếng Việt gọi những từ này là “hư từ”.
Tuy nhiên, đối với văn viết, chẳng hạn như viết quảng cáo hay các văn bản trong công sở, việc sử dụng hư từ cần phải được kiểm soát. Quá nhiều hư từ sẽ khiến cho văn bản dài dòng không cần thiết. Chưa kể, việc sử dụng hư từ quá liều có nguy cơ tạo sắc thái không nghiêm túc, làm giảm sự chắc chắn và tính trung thực, mà đây lại là những yêu cầu không thể thiếu trong giao tiếp thuyết phục.
Ví dụ dễ thấy nhất chính là ngôn ngữ trong quân đội. Các mệnh lệnh trong quân đội luôn rõ ràng, chính xác và cực kỳ ngắn gọn. Người nhận lệnh chỉ có một phản hồi duy nhất là tuân lệnh và làm theo:
“Bên trái, quay!”
“Sang phải hai bước, bước!”
(Bạn hãy tưởng tượng: Nếu vị chỉ huy của bạn ra lệnh cho bạn với hàng tá hư từ, chẳng hạn như “Làm ơn quay bên trái, quay!” bạn có muốn làm theo không?
Bạn thấy đấy, mệnh lệnh trở nên yếu ớt hẳn và giảm giá trị vì những từ ngữ không cần thiết.)
Hiển nhiên, tôi không có ý yêu cầu bạn áp dụng ngôn ngữ quân đội trong giao tiếp thông thường hay viết quảng cáo vì đây là một môi trường giao tiếp đặc thù. Nhưng nó là ví dụ rõ ràng nhất cho bạn thấy tầm quan trọng của nội dung gãy gọn và loại bỏ những từ ngữ không cần thiết khi thuyết phục.
Ngay cả người thành công cũng có lúc phải học cách từ bỏ,
chẳng hạn như những gì nằm ngoài tầm kiểm soát
hoặc những dự án hoàn toàn không mang lại giá trị lâu dài.
Tôi không thể cấm bạn dùng hư từ, vì chúng là một bộ phận lớn trong tiếng Việt và bạn (kể cả tôi) khó lòng loại bỏ chúng hoàn toàn trong giao tiếp. Nhưng hãy sử dụng hư từ một cách vừa đủ, có chọn lọc và sáng suốt, đảm bảo nội dung giao tiếp đầy đủ mà vẫn gãy gọn. Điều này sẽ giúp bảo toàn tính thuyết phục và giá trị mệnh lệnh (chẳng hạn như yêu cầu khách hàng mua hàng) trong đó!
Hơn nữa, các bạn có thể tìm đọc cuốn sách “Sức Mạnh Thuyết Phục” để hiểu thêm và rèn luyện những kỹ năng thuyết phục và xây dựng một hình ảnh uy quyền trong giao tiếp!
*Kỳ tới: Thủ thuật số 7 – Đừng Vòng Vo Tam Quốc!  
Nguồn:nghethuatcopywriting.wordpress.com

0 nhận xét:

Đăng nhận xét