Việc xây dựng ngành công nghiệp xe hơi với Vingroup tưởng như là một quyết định bất ngờ, đầy táo bạo nhưng thực tế đó là một con đường mà chắc chắn Vingroup phải đi qua. Tham vọng của Vingroup là xây dựng một hệ sinh thái cho người Việt. Ở đó, chúng ta sinh ra trong bệnh viên Vinmec, sống tại căn hộ Vinhomes, mua sắm tại Vincom, học tại Vinschool…thì đi lại bằng Vinfast chính là mảnh ghép còn thiếu. Theo lộ trình, Hà Nội sẽ cấm xe máy vào năm 2025. Đây là một tín hiệu về sự thay đổi cấu trúc trong giao thông của Việt Nam. Cùng với việc hàng rào thuế quan hạ xuống, xe hơi giá rẻ từ Thái Lan và các nước sẽ ồ ạt đổ bộ vào Việt Nam. Vingroup phải quyết định tham gia thị trường xe hơi ngay bây giờ hoặc không bao giờ. Tốc độ sẽ là yếu tố sống còn trong cuộc chơi này.
1, Cao cấp hay Bình dân?
Dựa vào những thông tin từ Paris Motor Show thì hai dòng xe với của Vinfast là hai xe hạng sang với tên LUX (luxury). Tuy nhiên, nếu nhìn vào thị trường xe hơi thì xe Vinfast chỉ có thể phân khúc là cận sang, chứ không phải sang. Đây chính là phân khúc duy nhất mà Vinfast có thể tồn tại và phù hợp với mục tiêu, năng lực của mình. Hai mẫu xe được triển lãm là sản phẩm cao cấp và Vinfast sẽ chiếm lĩnh thị trường với sản phẩm bình dân hơn.
Thông thường, mỗi tổ chức hay công ty chỉ có thể giỏi và thành công trong một lĩnh vực với năng lực lõi của mình. Tuy nhiên, Vingroup là một ngoại lệ khi đa số những dự án của tập đoàn đều thành công và để lại dấu ấn tốt trong mắt khách hàng. Trong tâm trí người Việt, Vingroup thể hiện một sự táo bạo, mạnh mẽ và bất kì dự án nào cũng làm chất lượng, “ra ngô ra khoai”. Vì vậy, việc Vingroup phát triển một chiếc xe hơi bình dân sẽ là một vết bẩn vào định vị thương hiệu hiện giờ.
Mặt khác, việc phát triển một chiếc xe bình dân (cạnh tranh nhau về giá) cần một hạ tầng cơ sở, cùng nền công nghiệp phụ trợ mạnh để giảm chi phí sản xuất. Với tình trạng hiện giờ của Việt Nam, Vinfast sẽ không thể cạnh tranh với xe Thái Lan về giá nếu tấn công phân khúc bình dân. Hơn nữa, hàng Việt Nam luôn bị người Việt Nam nghi ngờ về chất lượng sản phẩm. Với những mặt hàng giá trị thấp thì người Việt Nam có thể vì tinh thần dân tộc mà ủng hộ, nhưng với một sản phẩm giá trị lớn như xe hơi thì sẽ chẳng ai ủng hộ một sản phẩm kém chất lượng. Điều cuối cùng, xe hơi được người Việt Nam coi là tài sản, thể hiện vị thế xã hội của người sở hữu. Ai mua xe hơi cũng muốn có một chiếc xe mà mình có thể tự hào, ngẩng mặt với bạn bè mình. Một chiếc xe mà bị những người xung quanh bàn tán nghi ngờ về chất lượng, không thể hiện đẳng cấp của người mua sẽ là một rào cản cho quyết định mua hàng.
2, Tại sao lại là động cơ Đức?
Câu nói “Ăn cơm Tàu, ở nhà tây, lấy vợ Nhật, đi xe Đức” là sự khẳng định chất lượng của xe Đức. Khi nhắc tới bất kì một hãng xe Đức nào như Mercedes, BMW hay Volkswagen, chúng ta đều tin tưởng vào chất lượng của nó. Các công nghệ tối tân nhất trong ngành xe hơi đều đến từ Đức. Việc kết hợp với BMW là bước đi chiến lược để Vinfast có thể bắt kịp thị trường. Các nước trên thế giới còn vô cùng nghi ngờ vào năng lực của Việt Nam có thể sản xuất ra một chiếc xe hơi. Vậy nên, một sự thật đáng buồn đó là Việt Nam không thể mua được công nghệ tân tiến nhất trong ngành xe hơi. Hơn nữa, còn phải một năm nữa chiếc xe hơi đầu tiên mới được giao đến tay khách hàng thì công nghệ hiện giờ của Vinfast sẽ tiếp tục lạc hậu. Vì vậy, tốc độ sẽ là yếu tố sống còn và Vinfast phải cố gắng lấy được công nghệ tốt nhất trong tầm tay. Hợp tác với Đức là một sự tất yếu nếu Vinfast không muốn tiếp tục lỗi thời, đi sau trong cuộc chơi.
3, Bài toán sống còn và ước mơ xe Việt?
Nói một cách đơn giản thì đây chính là một chiếc BMW 3 series trong lớp vỏ Việt Nam. Tuy nhiên nếu giá của Vinfast ngang với BMW 3 thì chắc chắn sẽ chẳng ai mua vì dân ta vốn tính sính ngoại. Còn nếu cạnh tranh với xe bình dân như Camry, Accord thì Vinfast sẽ lỗ và hỏng định vị thương hiệu. Vậy nên bước đi chiến lược sẽ là dòng xe cận sang và tối đa hóa lợi nhuận bằng cách giảm chi phí. Nói tóm lại, dân Việt Nam sẽ được lái BMW 3 với một giá hợp lý.
Việc xây dựng nhà máy lắp ráp là điều bắt buộc để Vinfast được hưởng các ưu đãi về chính sách thuế từ chính phủ. Trái ngược với những dòng xe bình dân từ Đông Nam Á đã được từ từ hạ hàng rào thuế quan, những siêu xe, xe sang từ các nước châu Âu vẫn chịu mức thuế khá nặng. Đây sẽ là một bức giảm xóc cho xe của Vinfast khi tấn công thị trường xe cận sang. Sự bảo hộ này cực kỳ quan trọng nếu không muốn Vinfast chết yểu do cạnh tranh. Khi sản phẩm không có tính độc đáo, khác biệt (động cơ đều là động cơ Đức) thì cạnh tranh về giá sẽ là bước đi tiếp theo. Để làm được điều đó, nhà máy sẽ đóng vai cho quan trọng để giảm thời gian cung ứng sản phẩm, đẩy nhanh việc quay vòng vốn. Khi Vingroup công bố định hướng trở thành tập đoàn công nghệ, mình dự đoán Vinfast sẽ cho phép khách hàng đặt mẫu xe trên mạng, tùy chỉnh các thông số. Điều này sẽ giảm lượng hàng tồn kho, gia tăng đơn đặt hàng và tạo thêm giá trị cho khách hàng khi được tùy chỉnh sản phẩm của mình. Việc Vingroup mua lại General Motor Việt Nam (GM) càng khẳng định cho suy luận này vì hệ thống chuỗi phân phối bán lẻ toàn quốc sẽ giúp Vinfast đẩy nhanh việc đưa sản phẩm tới tay khách hàng.
Với trái tim động cơ là BMW 3 series, làm cách nào để Vinfast định vị là xe Việt Nam? Vinfast đã lên kế hoạch và chiến lược rất lâu cho định vị này. Cuộc thi lựa chọn mẫu xe đã lôi kéo toàn bộ người dân lựa chọn chiếc xe cho chính mình. Hơn nữa, với dự đoán về việc Vinfast cho phép đặt xe online và tinh chỉnh các yếu tố (features) thì Vinfast sẽ là chiếc xe người Việt chọn, người Việt tự tùy biến theo nhu cầu cá nhân. Đây chính là chiến lược để người Việt gọi Vinfast là xe của người Việt.
Tất cả những phân tích trên là ý kiến cá nhân của tác giả.
Tác giả: Vũ Minh Trường - Thành viên khởi nghiệp Việt Nam
0 nhận xét:
Đăng nhận xét