Năm 1934, Gause, người được mệnh danh là “cha đẻ của toán sinh học”, đã công bố một kết quả thí nghiệm của ông. Trong thí nghiệm, ông đã thả hai sinh vật đơn bào loại nhỏ vào trong một chiếc bình với nguồn lương thực vừa phải. Nếu hai sinh vật khác loài thì chúng sẽ cùng chung sống và tồn tại. Tuy nhiên, nếu chúng cùng một loài thì không thể. Ông đã kết luận rằng: “Không có hai loài nào mà có thể cùng tồn tại một cách giống hệt nhau.” Sự cạnh tranh tồn tại trước khi chiến lược ra đời. Các tế bào sinh trưởng và phát triển, cạnh tranh tài nguyên để tồn tại. Sớm hay muộn, chúng sẽ tiêu diệt những loài khác ở trong lãnh thổ để độc chiếm tài nguyên nhằm duy trì sự sống. Tự nhiên sẽ cân bằng các giống loài bằng thiên địch hoặc cho mỗi loài một lợi thế cạnh tranh trong lãnh thổ của chúng.
Điều tương tự cũng diễn ra trong kinh doanh, không có một tổ chức hay công ty nào có thể cùng tồn tại nếu chúng giống hệt nhau. Các công ty phải phát triển, tìm ra lợi thế cạnh tranh của bản thân để sinh tồn và phát triển. Mỗi công ty phải có sự khác biệt đủ lớn để tạo ra lợi thế cạnh tranh riêng. Đây chính là khởi nguyên của chiến lược. Trong tự nhiên, lợi thế cạnh tranh đến từ sự ngẫu nhiên, cơ hội nhưng trong kinh doanh, mỗi doanh nghiệp đều phải xây dựng chiến lược để tạo nên lợi thế. Vậy nên, thị trường càng tiềm năng thì đối thủ càng nhiều và tạo ra cuộc cạnh tranh càng đa dạng và khốc liệt.
Định luật của Gause đã khẳng định rằng những đối thủ trong thị trường sẽ không thể tồn tại nếu họ “sống” giống hệt nhau. Họ phải đủ khác biệt để tạo ra lợi thế cho bản thân. Sự tồn tại trong cùng một thị trường đã chứng minh rằng mỗi công ty có lợi thế độc nhất, không hề giống đối thủ. Trông thì có vẻ giống nhau nhưng thực ra họ rất khác. Ví dụ như Mobifone, Vinafone hay Viettel đều là những nhà mạng điện thoại với dịch vụ giống hệt nhau (nhắn tin, gọi điện, 3G…). Họ cùng bán một sản phẩm nhưng sản phẩm của họ khác nhau, tấn công những khách hàng khác nhau và tạo giá trị khác nhau cho mỗi khách hàng. Trước đây, Mobifone được nhớ tới nhờ sóng khoẻ, còn Vinafone thì vùng phủ sóng rộng. Trong lúc hai ông lớn đang mải mê với các đô thị lớn, Viettel lẳng lặng dùng chiến thuật “lấy nông thôn vây thành thị” rồi tạo nên thế chân vạc cho thị trường mạng điện thoại.
Bởi vậy, các yếu tố cơ bản của chiến lược cạnh tranh là:
1, thấu hiểu những hành vi cạnh tranh, tương tác qua lại giữa đối thủ, khách hàng, tiền, tài nguyên…
2, sử dụng sự thấu hiểu để thay đổi điểm cạnh tranh cân bằng
3, tài nguyên có thể được sử dụng với cách thức mới dù lợi ích đem lại có thể bị trì hoãn
4, dự đoán rủi ro và lợi ích để điều chỉnh mức độ cam kết
5, sẵn sàng hành động
Tóm lại, cạnh tranh trong tự nhiên là sự tiến hoá. Cạnh tranh trong kinh doanh là cải cách. Vậy điều gì khiến doanh nghiệp của bạn trở nên khác biệt trong thị trường?
0 nhận xét:
Đăng nhận xét