Thương hiệu!
Là cái khó xây nhưng dễ phá, xây lâu nhưng phá nhanh vô cùng!
Xây dựng thương hiệu có rất nhiều khái niệm xoay quanh nó nhưng có một điều không thể thiếu khỏi đối với mình chính là:
"Uy tín của một thương hiệu!"
Chúng ta xây dựng uy tín cho nó mỗi ngày từ những điều đơn giản nhất, cho tới những điều cao quý, tốn kém nhân lực, vật lực, sức lực và cả tiền bạc nhất.
Vậy nhưng "Kiếm củi 3 năm thiêu 1 giờ!", câu này các cụ nói luôn đúng!
Đôi khi bán trong hàng trăm loại sản phẩm vô tình có một loại tỉ lệ hỏng, lỗi cao tới một cách bất thường.
Phải làm sao đây?
Với người kinh doanh vốn mỏng hay vốn dày cũng sẽ có quan điểm xử lý khác nhau là bỏ của chạy lấy người hay đứng ra chịu trách nhiệm.
Nhưng về bản chất vốn mỏng hay dày cũng đều phụ thuộc vào 2 việc: "Lương tâm" và "Tầm nhìn" có lẽ là 2 việc chính để họ đưa ra được quyết định Bỏ hay Xử lý và khắc phục hậu quả.
Mình thường hay chia sẻ với học viên rằng:
"Đừng nghĩ cứ học Marketing thì có nghĩa là có thể Treo đầu dê - Bán thịt chó!"
Dù bạn có Marketing giỏi tới bao nhiêu, tài tới bao nhiêu đi nữa thì cũng cần phải có "Sản phẩm tốt và dịch vụ đủ tốt"
Chẳng phải vì điều gì xa xôi, đó chính là vì Uy tín thương hiệu và Lương tâm nghề nghiệp của người làm kinh doanh!
Còn về tầm nhìn,
Nói về tầm nhìn thì còn rất nhiều điều cao siêu và vô cùng rộng mình không dám nói. Nhưng theo mình trong vấn đề này, với người làm kinh doanh xác định dài lâu, bền vững, họ làm bằng cái tâm, bằng nhiệt huyết và bằng cả những giá trị bền vững của thương hiệu trong tương lai thì họ sẽ làm những điều Tốt nhất cho Thương hiệu cũng như cho Uy tín của bản thân!
Vậy nên, với người có cả Lương tâm + Tầm nhìn tốt họ sẽ sẵn sàng đứng ra và chịu trách nhiệm về sản phẩm của mình thay cho việc "Im lặng làm ngơ hay Bỏ của chạy lấy người".
Xin tạm coi đây cũng là một phần của cái gọi là Xử lý khủng hoảng trong kinh doanh, trong truyền thông theo cách của một Amateur như mình!
"Một lần bất tín, vạn sự bất tin" nhưng "Đánh kẻ chạy đi chứ không ai đánh người chạy lại".
Vậy nên đã sai thì phải dám lên tiếng xin lỗi, một khi đã xin lỗi thì chẳng ai nỡ lòng nào dày xéo ta thêm cả. Kể cả đối thủ có chơi đểu thì dẫu sao họ cũng là "con người" họ sẽ bị phần "người" chi phối khi ta trực tiếp xin lỗi họ chân thành!
Nếu sản phẩm lỗi thì phải làm gì?
Tại sao các hãng ô tô lớn trên thế giới sản xuất ra hàng trăm ngàn chiếc xe khi lỗi họ vẫn "THU HỒI" xử lý thỏa đáng cho khách hàng mà chúng ta lại không làm được?
Tiếc tiền đúng không?
Vì cái tôi quá cao nên không muốn nhận rằng sản phẩm của mình lỗi, là do mình làm sai đúng không?
Hay là vì chỉ muốn ăn được của người còn khi khách hàng trả lại ngay cả vì lỗi của ta rồi cũng vẫn chối đây đẩy để "Đã vào túi ta thì đừng mong bay đi đâu cả?"
"Muốn bán cả ngàn sản phẩm thì phải làm tốt với từng sản phẩm và giữ uy tín cho từng sản phẩm đấy là cách nghĩ của mình!"
Chính vì vậy, nếu là mình khi đưa một sản phẩm lỗi vào thị trường, mình nhận thấy chẳng khó khăn gì khi đưa ra phương án cả nhất là mình vẫn thuộc dòng kinh doanh đầu tư sản phẩm chưa lên tới hàng chục tỉ / tháng.
Mình sẽ:
1. Xin lỗi khách hàng công khai và liên hệ riêng tư là việc làm đầu tiên.
2. Thu hồi sản phẩm, trả tiền lại cho khách hàng hoặc xử lý sự cố sản phẩm, hoặc đổi lô hàng mới nếu cảm thấy giá cả và mọi thứ hợp lý đi đôi với việc tốn công sức hoặc lợi nhuận mỏng hơn -> Vẫn phải làm!
3. Số lượng khách hàng Feedback ít chứng tỏ sản phẩm lỗi xác suất vậy thì gặp trường hợp nào đổi, trả cho trường hợp đó.
4. Nhưng khi chiếm một tỉ lệ quá lớn Feedback thì điều tốt nhất là lên tiếng xin lỗi công khai trước tất cả mọi người rồi đưa ra phương án xử lý như:
- Giảm giá sản phẩm ở mức chấp nhận được kể cả là lỗ nhẹ, còn thường thì hòa giá nhập + nhân công có lẽ cũng đã là thành công.
- Đổi sang sản phẩm khác cho khách hàng và nhập lại sản phẩm lỗi bán với giá thấp hơn.
- Nhận lại hàng hoàn toàn rồi đền bù bằng tiền bạc cho khách hàng sau đó mang ra bán sắt vụn chịu lỗ còn hơn là mất đi cả một thương hiệu sau này có thể bán ra hàng ngàn sản phẩm.
5. Lập tức nâng cao năng lực về vấn đề nhận định giá trị và chất lượng của sản phẩm để tránh sai lầm tiếp nối sai lầm có lẽ là điều ai cũng nhận thấy nhưng cũng cần phải nói ra để tự nhủ!
Nhà mình có ai còn phương án nào hay hơn không ạ?
P/s: Bài viết theo kinh nghiệm và suy nghĩ chủ quan. Không có ý thay thế các định nghĩa, khái niệm về thương hiệu hay marketing, truyền thông. Chỉ là một chia sẻ cho những ai cảm thấy muốn theo dõi các chia sẻ của Thắng thôi!
Mong rằng mọi người sẽ góp ý, bổ sung cho chủ đề thêm hay làm ơn đừng ném đá!
( Phạm Hùng Thắng - Cộng đồng iSocial )
0 nhận xét:
Đăng nhận xét